Thursday, September 22, 2016

MẮM TÔM

Nhắc đến "mắm nêm" mà không nói đến "mắm tôm" thì đúng là một thiếu sót rất đáng trách dù gì đi nữa mắm tôm chỉ thịnh hành ở miền Bắc hơn là ở miển Nam. Mình không ăn được mắm nhưng cũng muốn hiểu về món mắm tôm, Trước đây mình chẳng có một khái niệm gì về mắm tôm, lần đầu tiên mình biết đến món này là lần đi ăn thịt cầy (sau 1975), lúc món chấm này đem ra, mình ngửi và bỏ xuống mà chẳng bao giờ dám nếm qua vì mùi quá "nồng nàn".


Nhưng "mắm tôm" là gì ?


Theo Wikipedia:

"Mắm tôm, là loại mắm được làm chủ yếu từ tôm hoặc moi và muối ăn, qua quá trình lên men tạo mùi vị và màu sắc đặc trưng.


Mắm tôm thường có 3 dạng: đặc, sệt và lỏng. Ba dạng này chỉ khác nhau ở tỉ lệ muối và quá trình phơi nắng.


Người làm mắm còn có thể thái cây bọ mắm rồi trộn với tôm cùng muối để chống giòi bọ.




Quá trình lên men mắm tôm bắt buộc phải sử dụng chính 1 loại enzyme có trong ruột của loài giáp xác này để lên men, các vi khuẩn phân huỷ khác phải bị kiềm chế bằng nồng độ muối khá cao trong mắm tôm. Nhờ đó hương vị chính của mắm tôm là hương vị của enzyme này tạo ra. Khi nào mùi vị của mắm tôm giống như mùi vị của ruột con tôm trong đầu con tôm tươi sống là có thể dùng được.

Trong tín ngưỡng của người Việt Nam mắm tôm là thức ăn có tác dụng xua đuổi tà ma. Người ta cho rằng ma quỷ rất sợ loại mắm này, người ăn mắm tôm sẽ không bị ma quỷ làm hại. Để mắm tôm ở trong nhà sẽ tránh hồn ma hiện về. Không chỉ người dân đồng bằng thích ăn mắm tôm mà rất nhiều người dân tộc miền núi cũng rất quý loại mắm này. Có một số người dân tộc miền núi còn có tục lệ là nhà dù nghèo đến mấy khi giỗ cha cũng phải có mắm tôm để cúng.




Mắm tôm có mặt trong nhiều món ăn dân dã miền quê, nhất là những món miền Bắc như cà pháo dầm mắm tôm, nộm rau muống.

Mắm tôm thường được đánh với nước cốt chanh hay rượu trắng cho đến khi sủi bọt để dậy mùi và làm loãng, có thể thêm một chút xíu đường cho vị đỡ gắt.


Khi dùng làm nước chấm lòng lợn, thịt lợn luộc, thịt chó thì có thể ăn kèm theo các loại rau thơm, khế chua, chuối chát, hay riềng tươi, tùy theo loại thịt. Mắm tôm khi được dùng để ăn với bún kèm đậu phụ rán hay chả cá Hà Nội có thể pha thêm một chút mỡ rán nóng.


Trong các món nấu, mắm tôm là thức không thể thiếu khi pha chế món rựa mận và giò heo giả cầy.


Các món nước như bún riêu và bún thang đều lấy vị mặn mòi của mắm tôm để quyện lấy các hương vị kia."




Mình mới đọc được một bài viết nhận xét về sự "đổ bộ" của mắm tôm vào miền Nam qua món "bún đậu mắm tôm", tác giả cũng phân tích về hiện tượng kinh tế nhưng mình chẳng màng về việc "đúng hay sai" mà chỉ đọc chơi cho biết:

BÚN ĐẬU MẮM TÔM VÀ TẦM NHÌN KINH DOANH

Dạo gần đây, người dân TP.HCM được chứng kiến cuộc "đổ bộ” của bún đậu mắm tôm. Nói là "đổ bộ” vì chỉ trong một thời gian ngắn, món ăn dân giã của miền Bắc này bỗng dưng gây "sốt", nhưng liệu sẽ được bao lâu?

Sớm nở chóng tàn

Tôi dám khẳng định, bún đậu mắm tôm hay trà chanh chém gió hiện đang giúp nhiều người kiếm bộn tiền rồi sẽ lịm đi rất nhanh, cũng như chuyện kinh doanh trà sữa trân châu, mô hình câu cá giải trí, phong trào mở khách sạn cho thuê phòng... nở rộ cách đây vài năm, hay lớn hơn là chứng khoán, bất động sản... Trên thương trường, người ta gọi đó là kinh doanh thiếu tầm nhìn.



Khi khởi nghiệp, hầu như ai cũng mong muốn có thể dựng nên một doanh nghiệp ăn nên làm ra và trụ vững lâu dài. Nhưng muốn làm được điều này phải có tầm nhìn dài hơi, phải thấy được sau khoảng 5 - 10 hay 20 năm nữa, lĩnh vực mình chọn có còn phục vụ được nhu cầu của khách hàng hay không.

Như chuyện mở quán bún đậu mắm tôm, thời điểm này rõ ràng có khách hàng nhưng nếu hấp tấp chạy theo phong trào, đổ tiền đầu tư thuê mặt bằng, mua sắm trang thiết bị..., có thể vừa lấy lại được vốn thì thực khách đã chuyển sang thích một món ăn khác.



Bởi quá nhiều quán phục vụ bún đậu mắm tôm sẽ làm cho món ăn này không còn "lạ và độc" nữa, chủ quán lấy lại được vốn thì phong trào cũng vừa xẹp, lại phải mất thời gian tìm kiếm hướng đi mới.

Những năm trước, khi phong trào kinh doanh khách sạn nở rộ, không ít người "hưởng ứng" phong trào đã rất phát đạt. Nhưng hiện nay, kinh doanh ngành này chỉ như lượm bạc cắc vì có quá nhiều khách sạn mini mở ra khiến giá phòng rớt thê thảm.

TP.HCM cũng không có mùa du lịch như các địa phương khác nên chủ yếu phục vụ nhu cầu của người dân thành phố. Bỏ một số vốn đầu tư khá lớn cho trang thiết bị, giá bất động sản cũng không lên..., rõ ràng, dù chưa đến nỗi thua lỗ nhưng có thể nói những người kinh doanh ngành này cũng đang "thoi thóp".



Lợi thế tầm nhìn

Có thể thấy người Việt thường hay chạy theo phong trào, đó là một nét đặc thù trong lối sống nên ảnh hưởng cả đến quyết định kinh doanh. Kinh doanh theo phong trào không hiếm thấy ở bất cứ thị trường nào của Việt Nam.

Nếu như vài năm trước chúng ta thấy cuộc đổi đời mạnh mẽ của những người "trúng đất" thì nay, việc kinh doanh, đầu tư bất động sản đang làm hàng loạt doanh nghiệp lớn lẫn nhỏ lao đao. Thương hiệu Phương Trang vì đâu mà phải bán xe trong khi việc kinh doanh đang hết sức thuận lợi?

Đại gia thủy sản Diệu Hiền, nhà làm phim Phước Sang... lâm vào cảnh nợ nần là vì đâu? Cơn thoái trào của thị trường bất động sản không nương tay với những người thiếu tầm nhìn. Trong khi đó, ở Phú Mỹ Hưng, tầm nhìn chiến lược đúng đắn đã giúp đơn vị này tạo dựng nên một khu đô thị trù phú. Bất động sản có thoái trào thì khu đô thị này vẫn ngày một phát triển hơn.



Nhiều bạn trẻ nói với các chuyên gia kinh tế rằng, khởi nghiệp bây giờ khó quá. Không có vốn, ngân hàng lại siết việc cho vay bằng lãi suất nên đã khó lại càng khó.

Theo tôi, làm gì có chuyện khó khăn về vốn, bởi khi có tầm nhìn chiến lược tốt, chọn được con đường kinh doanh hiệu quả, thì không khó mời gọi các nhà đầu tư tham gia. Chỉ cần có tầm nhìn, có dự liệu đúng, thì dù có sai sót trong các khâu khác, như triển khai chẳng hạn, cũng khó thể thất bại, chỉ là lợi nhuận nhiều hay ít mà thôi.

Một câu chuyện minh chứng cho việc có tầm nhìn không đúng, dẫn đến đầu tư sai là Tổng giám đốc Bệnh viện đa khoa quốc tế Vũ Anh bị bắt tạm giam vì tội danh lừa đảo. Sự kiện này gây sửng sốt cho giới đầu tư nhưng nếu nhìn sâu vào bản chất sự việc sẽ thấy, nhân vật này rõ ràng thiếu tầm nhìn, đầu tư sai nhưng lại không chịu chấp nhận thất bại.



Tệ hơn, còn dùng uy tín của bản thân để lừa đảo nhằm tìm giải pháp cứu mình. Các bạn trẻ có thể rút ra bài học từ câu chuyện này: Nếu muốn khởi nghiệp thì cần phải trang bị cho mình khả năng đối mặt với thất bại để còn giữ được bản thân khi thương trường không mang đến tất cả những gì mình mong muốn.


Theo DNSG

No comments: