Saturday, April 30, 2016

ĐẶC SẢN CỦA NGƯỜI TIỀU ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Tôi thật sự xúc động khi đọc bài viết này đăng trong báo điện tử Cần Thơ, bài viết nói về những món ăn của người Triểu Châu, những món ăn mang tính chất gia đình, những món ăn mà tôi đã ăn hàng ngày để lớn.
Trong bài viết có dùng nhiều từ phiên âm nhưng nếu các bạn là người Triều Châu bạn sẽ biết ngay là món gì. Từ nhỏ đến lớn tôi chỉ học chương trình Việt, không có học qua tiếng Hoa, không biết nói nhiều tiếng Tiều nhưng những từ ngữ phiên âm này làm tôi cảm động vì cách phát âm không được chuẩn như tôi phát âm tiếng Tiều thời đó. Bây giờ thì khác rồi, tôi bây giờ nói giỏi tiếng Tiều, tiếng Quảng và cũng biết đôi chút chữ Hoa.
Mời các bạn gốc Triều Châu đọc, đọc để nhớ lại Cần Thơ, nhớ lại cái không khí gia đình hàng ngày quây quần bên mâm cơm với những món ăn truyền thống, những món ăn mà chỉ ở Cần Thơ mới thấy thơm, thấy thấm.(LKH)


ĐẶC SẢN CỦA NGƯỜI TIỀU ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Người Tiều (Triều Châu, Quảng Đông, Trung Quốc) khi định cư ở Đồng bằng sông Cửu Long, thường cư ngụ trên các mảnh đất giồng, sống chan hòa với cộng đồng người Việt và Khmer. Nhiều người lấy vợ người Khmer, người Việt, hòa nhập cùng các lễ tục của cộng đồng nhưng vẫn giữ nét văn hóa cổ truyền của dân tộc. Có lẽ vậy trong các bữa ăn gia đình của họ có sự pha trộn văn hóa ẩm thực Việt, Khmer Nam bộ.


Người Tiều có một thứ nguyên liệu làm thành món ăn rất nổi tiếng và rất phổ biến, đó là “xái pấu”. “Xái pấu”, tiếng Tiều có nghĩa là “cải bổ”, người Việt gọi củ cải muối, được làm bằng hai nguyên liệu: củ cải trắng và muối hột. Ở Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đồng bào Khmer làm “xái pấu” bằng cách đào hố sâu, lót vải cao su rồi rải, cứ một lớp củ cải trắng thì phủ một lớp muối hột, trên cùng là lớp muối hột trước khi phủ kín vải cao su rồi đắp đất lại. Sau một thời gian nhất định, họ khui hầm, đã có thành phẩm. “Xái pấu” Sóc Trăng đã trở thành thương hiệu được khá nhiều người ưa chuộng vì có màu vàng và thơm. Tuy không có thương hiệu như “xái pấu” Sóc Trăng, nhưng “xái pấu” Cầu Kè mới là thứ “hảo hạng”. Nghề làm xái pấu ở Cầu Kè là nghề gia truyền dòng họ Vương mang từ Sua Tháo (Sơn Đầu, còn gọi Sán Đầu, Triều Châu) sang Việt Nam. “Xái pấu” sản xuất ở đây có màu vàng đẹp mắt, lấp lánh những tinh thể muối trắng tinh, cầm không dính tay, có mùi thơm đặc trưng. Để có 1 kg “xái pấu”, người ta dùng 5 ký củ cải trắng phơi heo héo rồi cho vào khạp da bò muối. Cứ một lớp củ cải là một lớp muối hột. Trên mặt phủ lớp muối dày. Sau 2 hoặc 3 ngày phơi nắng, giở nắp khạp lấy cải ra, đổ bỏ nước rồi muối lại như vậy với lượng muối ít hơn. Đến ngày thứ 6 thứ 7 thì ém cứng củ cải trong khạp (đã phơi nắng thật khô), phủ lớp muối hột kín mặt, trét xi măng hoặc đắp đất sét cho thêm kín. Hai tháng sau đã có “xá pấu” ăn được, cho ta vị mặn (vừa), ngọt, giòn, không bao giờ rỉ nước.


“Xái pấu” được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Người ta cắt bỏ đầu đuôi, ngâm, rửa sạch chừng 15 phút cho bớt mặn. Đơn giản thì xắt miếng mỏng trộn giấm đường ăn cháo trắng hoặc bằm chiên hột vịt ăn cơm hoặc cháo trắng. Để tăng thêm khẩu vị, lạ miệng, người ta xào “xái pấu” xắt lát với thịt heo ba rọi. “Xái pấu” xắt mỏng ướp tỏi đường ớt (như trộn dưa mắm), để đó, khi nào ăn lấy một ít nặn chanh vào. Còn anh bạn của tôi sáng chế món gỏi “xái pấu”: “Xái pấu” xắt sợi với tép và thịt luộc, rắc rau thơm, đậu phộng sẽ có món đưa cay “bá cháy”. “Xái pấu” xắt lát hầm với xương hoặc đuôi heo, nêm bột ngọt, bột nêm, là món ăn không giấu ai được - bởi khi nồi hầm sôi, mùi thơm đặc trưng của “xái pấu” tỏa bay khắp nơi khiến hàng xóm “la làng”.


“Hù dú” có nghĩa là “chao vàng”. Người ta dùng tàu hũ xắt miếng vuông hoặc hình chữ nhật, đem phơi. Điều quan trọng là chỉ phơi trên giấy báo trải mặt nia, không được phơi trên bất cứ vật dụng nào khác. Phơi một nắng, trải lớp giấy báo mới lên nia khác, trở mặt phơi thêm nắng nữa. Để tàu hũ nguội, sắp vô một phần ba keo thủy tinh, cho tương hột loại ngon vào ngập gần tới miệng keo, cài thanh tre cho tàu hũ không nổi lên mặt. Đậy kín nắp keo, phơi chừng 15 nắng tốt là dùng được.


“Hù dú” rất thích hợp với món cháo trắng nấu nhừ, ăn vừa dẻo dẻo, vừa mằn mặn, ngọt ngọt, bùi bùi vị đậu nành và tương lên men. Người ta còn dùng “hù dú” để chấm rau luộc, hoặc bầu bí luộc. Món luộc nào có “dính” “hù dú” cũng đều trở nên dễ nuốt.

Phần lớn người Tiều truyền thống sáng nào cũng lót lòng bằng cháo trắng. Ngoài “hù dú”, họ thường ăn cùng với món vừa no vừa nhẹ bụng này là “hàm dũy” (cá mặn), hột vịt muối, “xái pấu”, để trở bữa còn có “coóng xại”.


“Coóng xại” có nghĩa là cải “xào bần” (lộn xộn, đủ thứ), như là một loại rau tập tàng của người Việt, nhưng ở đây lại có nghĩa là loại thức ăn bình dân. Với hương vị thơm ngon, ngọt mặn, “coóng xại” ăn với cháo trắng rất “dễ lùa”. Đặc biệt, người bịnh lạt miệng, ăn cháo với “coóng xại” là “đúng điệu”, lại nữa còn làm cho cơ thể khỏe ra nhờ xuất mồ hôi. Còn với người bình thường, “coóng xại” giúp trợ tiêu hóa, ăn ngon miệng hơn.
“Coóng xại” chủ yếu làm từ “tùa xại” (cải to, ta gọi cải làm dưa). “Tùa xại” cắt bỏ rễ, bỏ lá, rửa sạch, xắt miếng vuông. Phơi cho đến khi cải héo, còn khoảng 50% nước là được. Cải được nhận cứng vô keo. Riềng đâm pha với rượu, muối và đường đổ vào. Cứ 1kg cải thì dùng 300gr muối, 300gr đường cùng rượu sao cho khi đổ vào keo vừa ngập cải. Dùng que tre gài cho cải không nổi lên trên mặt dung dịch đổ vào, đem phơi 15 nắng thì dùng được.


Để ăn cháo trắng người Tiều còn có “xung xại”, có nghĩa là cải mùa xuân. Thứ cải giống cải xanh của Việt Nam nhưng lá phẳng chứ không dợn sóng. “Xung xại” rửa sạch hầm với nước đổ vừa ngập những miếng thịt ba rọi xắt khá to đã chiên cháy cạnh. Nồi “xung xại” sôi, nêm muối thật mặn, nước rút cạn, tắt bếp. Cách làm khác là “xung xại” hầm với thịt nạc cùng muối thật mặn. Khi nước hầm rút gần cạn, cho tép mỡ vào, trộn đều. Nước cạn, tắt bếp, để nguội nhận vô tĩn da lươn có một vòi ngắn, đậy kín nắp để ăn dần. Hầm càng nhừ càng ngon. Món này có tên “xung xại ngào bà”, nghĩa là cải mùa xuân hầm với thịt (ngào là hầm, bà là thịt). Đặc biệt, “xung xại” còn giữ một vai trò quan trọng trong hôn lễ người Tiều, một thủ tục bắt buộc, không có không được. Khi đi nạp tài, chú rể cầm trên tay một cây “xung xại” để trao cho nhà gái như lời hứa hẹn sẽ đem lại cho cô gái hạnh phúc xanh tươi, tốt đẹp như mùa xuân.
Trong bữa cơm hay trong bữa tiệc thì người Tiều thưởng thức món “chen chú”, “hề xô” và “mì sụa”.


“Chen chú”, có nghĩa là cá chiên hầm nước lạnh. “Chen chú” được làm chủ yếu bằng cá điêu hồng làm sạch, rửa, để ráo. Cà chua rửa xong, xắt tư hoặc xắt sáu. Bún tàu cắt khúc vừa ăn, ngâm nước cho mềm, vớt ra, để ráo. Hành lá (lựa mua loại hành cọng to) rửa sạch, cắt bỏ lá, chừa gốc. Nấm rơm búp gọt bỏ rễ, rửa sạch, chẻ đôi. Kim châm rửa sạch, để ráo. Bắc chảo lên bếp, chảo nóng, cho dầu ăn hoặc mỡ vào. Dầu hoặc mỡ sôi, thả cá vào. Chiên cá vàng cả hai mặt thì cho nước vào ngập mình cá, đậy nắp lại. Hầm cá cho chín mềm, nước sôi vài quận thì giở nắp vung, cho tương hột, cà chua, bún tàu, hành gốc, nấm rơm, kim châm vào. Nêm nước mắm, muối, đường, bột ngọt, bột nêm. Đậy nắp vung, khi mùi tương Tàu lan tỏa khắp không gian thì tắt bếp, xúc ra dĩa rắc ngò rí.


“Hề xô”, theo tiếng Tiều có nghĩa là “chả giò”. Làm “hề xô” cũng khá công phu. Đầu tiên, người ta chọn tép bạc đất còn sống hay còn tươi mới cho món ăn dai và ngon. Tép bạc đất nhẹ ngắt đầu, vừa xoay đầu tép vừa kéo chỉ đen ra khỏi thân tép. Rửa sạch tép, để ráo nước. Tỏi lột bỏ vỏ. Mỡ xắt hột lựu luộc sơ. Cho tép, mỡ xắt hột lựu, lòng trắng trứng gà, bột mì, gia vị vừa ăn và thật nhiều tỏi vào cối nhồi cho đều trước khi quết thật nhuyễn, làm nhưn. Món này gói bằng tàu hũ ky tươi vừa mới ra lò, còn mềm, xắt miếng vuông, cho nhưn vào, cuộn lại thành gói tròn dài khoảng hai lóng tay. Cho tất cả vào chảo mỡ chiên vàng. Lót xà lách và cà chua xắt lát lên mặt dĩa, sau đó cho “hề xô” vừa mới chiên lên, dọn ra bàn.
Gắp một cuốn “hề xô” chấm “bùi chịa” (nước chanh muối, đường), cắn, mùi thơm của tép và tỏi chiên hòa quyện trong vị mặn ngọt của “bùi chịa” lan trong khẩu cái. Cắn miếng ớt sừng, gắp lá xà lách kèm lát cà chua nhai chầm chậm, tận thưởng miếng ngon của tàu hũ ky tươi và thịt tép “ngồn ngộn”. Dù có mỡ xắt hột lựu và chiên nhưng khi ăn “hề xô” người ta hầu như chẳng thấy có mùi dầu mỡ như món chả giò Việt Nam.


“Mì sụa” có hai loại: loại mặn và loại không mặn. Người sành ăn cho rằng “mì sụa” mặn ngon nhất khi xào, còn “mì sụa” ngọt chỉ để nấu chè. “Mì sụa” xào với tim, gan, cật, nạc, phèo, phổi heo cùng nấm rơm, hành, tỏi, cải xanh... chấm nước tương hoặc nước mắm giấm ớt, tùy khẩu vị. Món này xưa kia có mặt trong mấy tiệm “cao lầu” ở thị xã Khánh Hưng (Sóc Trăng), rất được nhiều khách phương xa tín nhiệm. “Mì sụa” mặn thì trước khi xào người ta rửa sơ qua nước lạnh. Có nơi, ngoài việc xào “mì sụa” với nội tạng heo, còn trải lên bên trên dĩa mì một lớp trứng vịt tráng mỏng xắt sợi làm mặt. Để mừng sinh nhật, ngoài dĩa “mì sụa” xào, người ta còn luộc lòng đỏ hột gà cùng chè “mì sụa”. Màu đỏ của lòng đỏ trứng gà là lời chúc phúc cuộc sống may mắn, tròn trịa. Còn vị ngọt của chè khiến họ tin tưởng cuộc đời người được kỷ niệm ngày sinh sẽ ngọt ngào trong mọi việc, sống lâu.


Tết Nguyên đán, người Tiều lại thích làm món vịt ram như thứ đồ khô ăn dần. Vịt lựa con mập, lớn, đem luộc rồi chặt từng miếng vừa ăn, ram trong chảo mỡ sôi. Khi mỡ rút vào thịt vịt thì nhắc xuống, rắc muối hột, xốc đều, để nguội, cho vô thố lớn. Nước luộc vịt được tận dụng nấu xôi ăn với vịt ram tưởng không gì khoái khẩu bằng. Người Tiều ngày Tết còn hay cúng cù lao (lẩu) cá. Cá tiếng Hán đọc như “dư”, hàm ý dư dả cả năm. Chiều ba mươi (hoặc hăm chín, tháng thiếu) cũng như mồng ba Tết (cúng tất), người Tiều nấu rất nhiều món, nào canh, cù lao, xào, luộc, nướng, kho, bày ê hề trên bàn thờ gia tiên. Cúng xong, cả nhà xúm xít ăn. Ăn không hết, tất cả các món đó cho vô nồi bự, nêm “cứng” muối, để dành ăn nhiều ngày, gọi là “xào bần”. Đây là loại canh hổ lốn độc đáo vừa ngon vừa tiết kiệm, mỗi năm chỉ được ăn vào sau mấy ngày Tết, đám cưới đám hỏi hoặc đám giỗ.



Phù Sa Lộc / Theo: Cantho Online
.

HEO NUÔI TẠO NẠC

Hồi nào tới giờ mỗi lần muốn kho thịt bà xã mua thịt về, tôi hỏi sao không có mỡ. Bà xã nói kêu tụi nó lựa mà miếng này là nhiều mỡ nhất, tụi nó còn cười nói "giờ này ai mà ăn thịt mỡ". Tôi nói thịt kho không mỡ không phải là thịt kho.

Hồi đó ở VN, má tôi kho thì cục thịt cắt miếng lớn, còn lấy dây cột lại kho lâu mới ngon, cũng như ở Hàng ChâuTQ món "thịt Đông Pha" phải kho tới mức đưa vào miệng ngậm lại là cục thịt tan ngay trong miệng. Tan ra là mỡ tan, cũng như tại sao nói thịt bò Kobe mềm, nó mềm vì thịt xen mỡ, nên khi cho vào miệng là tan mỡ làm mình cảm giác thịt quá mềm. 


Không biết cách lai giống như thế nào mà thịt heo Úc rất ít mỡ. Vậy mà ở Việt Nam đang rạo lên tin "heo nuôi tạo nạc". Hy vọng sự kiểm soát chặt chẽ ở Úc không có hóa chất nào pha vào đồ ăn cho heo để tạo nạc.


Mà thật có hay không hay chỉ là những tin đồn? Có thật đấy, tôi mới đọc vài bài báo ở VN và có một bài nói về một quan lớn la rằng: "Cần 10 kg mà lại nhập 10 tấn, vậy số dư đó đi về đâu ?"


Mời các bạn đọc sự giải thích về chất này theo Wikipedia:


SALBUTAMOL



Salbutamol (INN) hoặc albuterol (Usan) là một chất chủ vận thụ thể β2-adrenergic sử đụng để làm giảm co thắt phế quản ở bệnh như hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Nó được bán trên thị trường như Ventolin trong các thương hiệu có tên khác. Salbutamol là chất chủ vận thụ thể β2-adrenergic được bán trên thị trường trong năm 1968. Chất này được bán lần đầu tiên bởi Allen & Hanburys (Anh) dưới tên thương hiệu Ventolin, và đã được sử dụng để điều trị bệnh hen suyễn từ đó. Nó đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt cho sử dụng tại Hoa Kỳ tháng năm 1982. Thuốc thường được sản xuất và phân phối dưới dạng salbutamol sulfat.




Điều trị
Salbutamol được dùng chủ yếu bằng đường hít cho tác dụng trực tiếp trên cơ trơn phế quản. Điều này thường được thực hiện thông qua một ống hít có đồng hồ đo liều lượng (MDI), dụng cụ phun xịt, hoặc các dụng cụ khác. Trong các hình phun hít, các tác dụng tối đa của salbutamol có thể diễn ra trong vòng từ 20 phút, mặc dù một số tác dụng giảm nhẹ được thấy ngay tức thì. Thời gian tác dụng trung bình là khoảng 2 giờ. Nó cũng có thể được tiêm tĩnh mạch. Salbutamol cũng có ở dạng uống (viên nén, xi-rô).

Lạm dụng trong thể thao
Salbutamol đã được chứng minh cải thiện trọng lượng cơ bắp ở chuột và báo cáo giả thuyết rằng nó có thể là một thay thế cho clenbuterol cho mục đích đốt cháy mỡ và làm tăng cơ bắp, với nhiều nghiên cứu hỗ trợ cho tuyên bố này. Việc lạm dụng thuốc có thể được xác nhận bằng cách phát hiện sự hiện diện của nó trong huyết tương hoặc nước tiểu, thường vượt quá 1000 µg/L..
Lạm dụng trong chăn nuôi
Tại Việt Nam, một số trang trại chăn nuôi gia súc đã trộn thuốc này vào thức ăn gia súc để làm tăng lượng nạc ở thịt gia súc nuôi. Khi trộn vào thức ăn gia súc, gia cầm, các chất này có tác dụng thúc cho lợn lớn nhanh hơn, mông, vai nở hơn, tỉ lệ nạc cao hơn, màu sắc thịt đỏ hơn.
(Nguồn: Wikipedia)

CÁ TẮC KÈ (TẮC KÈ BIỂN)

Tìm trong mấy trang ẩm thực thấy có một loại cá trong hình đang nướng, tôi tưởng là con cá Bò Hòm, đến lúc tìm hình con cá sống thì thấy nó giống như con cá Chuồn (Chuồn bay). Được biết đây là một loại cá bắt được rất ít vì nó ở vùng biển sâu, dân đánh cá chỉ để dành ăn nhưng khi nó vào được nhà hàng thì trở thành đặc sản.

CÁ TẮC KÈ (TẮC KÈ BIỂN)

Một lần khoe với bạn rằng quê mình có món “tắc kè biển” ngon tuyệt, thằng bạn quê Gia Lai ngỡ ngàng hỏi lại: biển làm gì có tắc kè?

Kỳ thực, đây là loại cá có “bộ áo” màu đỏ hồng, hai cánh dài dọc theo thân khá điệu đà. Gọi là cá tắc kè vì phần đầu khá giống con tắc kè rừng núi. Cá này cư trú sát đáy biển xa, mập tròn; con lớn nhất có thể nặng tới nửa cân. Chỉ có lưới giã cào khơi mới tóm được loài cá này. Tại bến, giá cá tắc kè khá dễ chịu. Nhưng vào nhà hàng, giá đã bị “quý tộc hóa” do thực đơn “vẽ” ra cái tên ngộ nghĩnh hơn: cá gà.



Cá tắc kè vốn không hạp với các món canh, kho, chiên. Nó chỉ thích lên giàn hỏa. Khi được “tắm” trong lửa thì cá mới cho hương vị đậm đà, chẳng cần ướp gia vị cầu kỳ mà vẫn “hữu xạ tự nhiên hương”.


Nhưng phải nướng một cách “nghệ thuật” thì cá mới ngon. Cá chỉ cần rửa sạch, không phải động dao động thớt gì. Xếp cá lên vỉ sắt đã lót lá chuối bên dưới và đặt lên lò than vừa đượm. Hơi nóng được “lọc” qua lá chuối nên da cá không bị nứt nẻ, chất “ngư túy” không rỉ ra ngoài, vị ngọt của cá vì thế được giữ nguyên. Dùng que tre xuyên dễ dàng vào thân cá nghĩa là cá đã chín. Cá vừa được đưa ra mâm, đặt bên đĩa muối ớt chanh và mớ rau răm đã nghe dạ dày “kêu réo”.


Người sành ăn cá tắc kè hay “luận đàm” về món ngon nức tiếng này.
Thứ nhất, không dùng đũa mà phải... ra tay. Thịt cá săn chắc như thịt gà nên phải dùng tay xé ra từng miếng. Người thanh nhã cũng phải tạm “phàm phu” khi ăn món này. Nếu vì lịch sự mà dùng đũa để rỉa, gắp sẽ dễ bị trợt, cá như sống lại, “quẫy” ra ngoài mâm.


Thứ hai, ăn cá này mà không có bầu bạn, không kèm tí rượu thì quá ư lãng xẹt. Đầu các ngón tay dính cá nên mỗi lần “dzô”, ai cũng kẹp ly rượu vào kẽ tay, ngửa cổ, đưa lên và khà một cách khoan khoái. Nghe miếng cá đậm đà tan hòa trong hớp rượu nồng cay. Ai nấy vừa nhai tóp tép, vừa xuýt xoa khen cá ngon ngọt. Nhưng nếu chỉ khen cá không thôi thì cũng tội cho chanh, muối ớt, rau răm; bởi nếu không có “hỗn hợp” ấy thì y như rằng cá đi đằng cá, rượu đi đằng rượu.


Và đây là “điểm nhấn” của cá tắc kè: Bẻ đầu cá và rút ra khỏi thân, bộ lòng cá dính theo. Gan, ruột, bao tử béo bùi, lại pha chút đăng đắng dễ chịu của mật cá đọng khá lâu trên đầu lưỡi. Cứ thế, món cá tắc kè dường như thầm nhắc nhở bạn bè đón những chuyến xe về làng biển...
Trần Cao Duyên
(Nguồn: Sài Gòn Ẩm Thực)

CÓ LÀM CÓ CHỊU

Tối nay, không đúng. Phải nói là khuya thật khuya vì bây giờ đã gần 3:00 sáng ở Úc. Hôm nay ở nhà không đi làm, coi video về Phật giáo hơi nhiều nên còn vương vương vấn vấn dù không có ăn chay. Hai ngày nay không ăn cơm mà chỉ ăn bún măng vịt, steak bò và pizza Ý.

Tôi tin Phật và học Phật nhưng chưa ăn chay được, chưa thường xuyên đến chùa và chưa đọc kinh. Tôi tin vào sự tu luyện của bản thân, tức là tự sửa đỗi, hoàn thiện, không nỗi nóng, không đam mê, không tham lam vì lợi ích bản thân. Hy vọng cái gì của mình thì nó sẽ đến. Tôi chưa từng ganh ghét với người giàu và không bao giờ khi dễ những người nghèo. Có cái tôi khinh thường và không dung tha là bọn "ngụy quân tử".
Tôi giận ai, vài tiếng sau hay nhiều lắm 1 ngày là hết. Ai làm cho đến tôi phải thù oán thì không bao giờ hết, nó đã là cái nghiệp. Kiếp này không trả được thì kiếp sau cũng phải đòi. Người TQ thường nói "Quân tử báo thù, thập niên vị vãn" (君子报仇,十年未晚). Nhà Phật cũng phải chấp nhận cho nên người nuôi chí báo thù không có gì là xấu hay tội ác. Còn lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan. Đây không phải là oán mà là thù, thù thì phải trả.
Mời quí vị đọc bài này:

CÓ LÀM CÓ CHỊU


Lúc Đức Thích Ca Mâu Ni trụ tại thành Vương Xá, một hôm có một người lái buôn tên gọi là Phất Ca Sa muốn đi mua hàng hóa, nên sáng sớm đi đến thành La Việt, nhưng vừa tới cổng thành thì đã bị một con trâu húc chết.



Chủ con trâu thấy thế, sợ nếu giữ con trâu hung ác này lại thì về sau thế nào cũng sẽ xẩy ra chuyện không lành, nên bèn đem con trâu đi bán với một giá rẻ mạt.
Người chủ mới mua trâu xong bèn dắt trâu về nhà. Đi được nửa đường gặp một con sông, ông muốn cho trâu uống nước. Không ngờ không những trâu không uống nước, mà bản tính hung bạo dữ dằn của nó thình lình nổi dậy, nó dùng sừng húc người này chết tươi.
Người nhà của nạn nhân thấy thế mới nổi giận đem con trâu ra giết, rồi đem thịt ra chợ bán. Có một người nông phu tham giá rẻ, mua đầu trâu về, lấy dây cột sừng trâu lại rồi xách về nhà.
Ấn Độ là một nước nhiệt đới, vô cùng nóng bức. Người nông phu đi được một đoạn đường thì vừa nóng vừa khát, bèn treo đầu con trâu lên một cành cây rồi ngồi dưới gốc cây này nghỉ ngơi.


Quái lạ thay, sợi dây cột đầu con trâu mắc lên cành cây bỗng dưng vô cớ đứt đoạn, khiến đầu con trâu rơi xuống, trúng ngay đầu người nông phu khiến ông này bị trọng thương mà chết ngay tại chỗ.
Chỉ trong vòng một ngày mà con trâu này đã giết chết hết ba người.
Vua Tần Bà Sa La nghe tin này rất lấy làm lạ, biết rằng bên trong phải có nguyên do gì đây. Ông bèn dẫn một số đại thần, đem hoa quả hương đèn tới núi Linh Thứu lễ Phật rồi thỉnh Ngài thuyết giải cho nghe.
Đức Phật kể cho vua Tần Bà Sa La nghe rằng:
- Hồi xưa có ba người lái buôn đi qua nước láng giềng làm ăn mua bán. Họ muốn để dành tiền nên chiều hôm ấy, thay vì đi tìm khách sạn, thì lại ghé đến nhà một bà lão xin mướn một căn phòng. Hai bên thỏa thuận giá cả xong, họ Ở lại nhà bà lão ngủ qua đêm ấy. Sáng hôm sau, bà lão có việc phải đi ra ngoài, ba người thừa cơ hội bà vắng mặt lẻn trốn đi mất.
Về tới nhà thấy thế, bà lão tức giận vô cùng, đuổi theo họ đòi tiền. Ba người phải gánh vác hành lý nặng nề nên đi chưa được xa đã bị bà lão bắt kịp. Họ thấy bà lão già cả, dễ ức hiếp, nên nặng lời nhục mạ chưởi mắng bà. Bà lão không làm gì được họ, phẫn uất mà nói:
- Mấy người chỉ là một phường vô lại, thấy tôi già cả nên mới ức hiếp nhục mạ tôi. Nhưng hành động này của mấy người thế nào cũng có ngày trả báo. Kiếp này tôi không làm gì mấy người được, nhưng kiếp sau, dầu tôi có sinh ra làm người hay dầu có mất thân người đi nữa, tôi cũng quyết sẽ báo thù. Tôi sẽ giết hết cả ba người, có thế mới hả được niềm căm hận này.


Đức Phật thuyết câu chuyện nhân duyên ấy quả báo xong, Ngài nói tiếp:
- Con trâu hung ác chỉ nội trong một ngày mà giết hại hết ba mạng người chính là bà lão tái sinh. Ba người lái buôn đã khinh miệt bà lão trong kiếp xưa, kiếp này đã lần lượt bị trâu húc chết trong vòng một ngày.
Tội phúc như chiếc bóng đi theo mỗi người, nếu mình khinh miệt người khác mà làm việc trái với lương tâm, thì cũng chỉ có mình tự chịu lấy quả báo đau khổ về sau mà thôi!

Phật Giáo Cố Sự Đại Toàn
Dịch giả: Diệu Hạnh & Giao Trinh

THỦY TRIỀU ĐỎ

Nói thật từ hồi nào tới giờ mấy ngày nay mới nghe cái tên "Thủy triều đỏ". Tôi không có một ấn tượng hay hiểu biết về nó. Sự kiện cá chết ở ven biển Hà Tĩnh rồi lây lan sang những ven biển lân cận. Nguyên nhân như thế nào chưa có khẳng định chính xác nhưng có cái tên được đưa ra có thể là do "Thủy triều đỏ".

Cái mà tôi chưa hiểu biết thì phải đi tìm, có mấy bài giải thích về hiện tượng này, riêng tôi thấy bài của Wikipedia là rõ ràng và chi tiết hơn nên share lên đây để mọi người ai chưa biết thì đọc để biết:

THỦY TRIỀU ĐỎ


Tránh nhầm lẫn với Thủy triều hồng một thuật ngữ chính trị được sử dụng ở Mỹ Latinh trong thế kỷ 21 liên quan đến chủ nghĩa Cộng sản.
Thủy triều đỏ là tên gọi chung cho những hiện tượng được biết đến như là những đợt bùng phát tảo biển nở hoa, nó gây ra bởi một số loại tảo sống và nở hoa mang đến màu đỏ hoặc nâu. Thủy triều đỏ là sự kiện thường xảy ra ở các cửa sông, cửa biển hoặc tảo nước ngọt tích lũy nhanh chóng trong các cột nước. Thủy triều đỏ dễ dàng nhận biết nhanh chóng bằng trực quan khi nước biển thường có chất dính và mùi tanh hôi.
Những tảo này, đặc biệt là thực vật phù du, là những sinh vật nguyên sinh đơn bào, các sinh vật như thảo mộc có thể hình thành những đám dày đặc, các vết có thể nhìn thấy ở gần bề mặt nước. Một số loài thực vật phù dutảo chứa sắc tố quang hợp khác nhau về màu sắc từ xanh sang nâu đỏ.


Khi mật độ tảo tập trung cao, nước sẽ đổi màu hay xỉn lại, từ tím đến gần như màu hồng, thường là màu đỏ hoặc màu xanh lá cây. Không phải tất cả việc nở rộ tào đều dày đặc đủ để làm cho nước đổi màu, và không phải tất cả những nước đổi màu có liên quan đến nở rộ tảo đều đỏ. Ngoài ra, thủy triều đỏ không thường gắn liền với hoạt động thủy triềucủa nước, do đó tốt hơn là tham khảo các nhà khoa học để dùng từ nở rộ tảo.
Một số thủy triều đỏ có liên quan đến việc tăng sản xuất các độc tố tự nhiên, sự giảm oxy hòa tan hoặc các tác hại khác, và thường được mô tả như tảo nở hoa gây hại. Các hậu quả dễ thấy nhất của thủy triều đỏ là làm chết động vật hoang dã ở biển và các loài sống ven biển như cá, chim, động vật có vú biển, và các sinh vật khác.
Thủy triều đỏ là một thuật ngữ thông dụng được dùng để chỉ một trong một loạt các hiện tượng tự nhiên được gọi là tảo nở hoa gây hại hay HABs (viết tắt của cụm từ tiếng anh Harmful Algal Blooms). Thuật ngữ Thủy triều đỏ được sử dụng đặc biệt để đề cập đến sự nở hoa của một loài tảo có tên là Karenia brevis. Thuật ngữ này đôi khi cũng được sử dụng để chỉ tới nhiều dạng loại tảo nở hoa khác.


Thuật ngữ Thủy triều đỏ đang dần được loại bỏ trong giới nghiên cứu vì những lý do sau đây:
  1. Thủy triều đỏ không nhất thiết phải có màu đỏ và trong rất nhiều trường hợp không hề có sự đổi màu nào xảy ra cả.
  2. Chúng không liên quan đến chuyển động của thủy triều.
  3. Thuật ngữ này thiếu độ chính xác khi được dùng để chỉ cho nhiều dạng tảo nở hoa.
Những thuật ngữ thay thế có độ chính xác hơn bao gồm một thuật ngữ khái quát chung tảo nở hoa gây hại dành cho các dạng sinh vật gây hại và tảo nở hoa dành cho các sinh vật tảo không nguy hại.
Năm 1985, nhà hóa học Koji Nakanishi tại Đại học Columbia đã đề xuất một chu trình sinh ra thủy triều đỏ, theo đó các phản ứng hóa học xảy ra theo từng bước, nhờ đó nhóm tảo dinoflagellates sinh ra thành phần độc tố chính trong thủy triều đỏ là brevetoxin cùng các độc tố khác. Theo các nhà khoa học, phản ứng ban đầu được kích hoạt bởi mộtenzyme và nước có thể là thành phần liên hệ trực tiếp với quá trình sinh ra độc tố hoặc đóng vai trò quan trọng do tảo dinoflagellates là một thực thể sống của biển.


Sự xuất hiện của thủy triều đỏ tại một số địa điểm dường như là hoàn toàn tự nhiên (tảo nở hoa theo chu kỳ mùa như kết quả từ hiện tượng nước trồi dọc bờ biển vốn là hệ quả tự nhiên của sự di chuyển của các dòng hải lưu nhất định) trong khi trong các trường hợp khác chúng xuất hiện là do kết quả của việc gia tăng hàm lượng chất dinh dưỡng trong nước từ các hoạt động của con người. Sự phát triển của phù du thường sẽ bị giới hạn bởi sự có mặt nitrat và phốt phát vốn có thể được gia tăng do thất thoát từ các hoạt động nông nghiệp cũng như trong khu vực xuất hiện hiện tượng nước trồi. Những yêu tố khác như bụi giàu sắt đến từ các vùng sa mạc rộng lớn như sa mạc Sahara được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra thủy triều đỏ. Một số sự kiện tảo nở hoa tại bờ biển Thái Bình Dương được cho là có mối liên hệ với sự xuất hiện của các biến đổi khí hậu quy mô lớn, ví dụ như các sự kiện El Nino. Trong khi thủy triều đỏ ở vịnh Mexico đã được ghi nhận bởi các nhà thám hiểm thời kì đầu như Cabeza de Vaca, vẫn chưa rõ ràng điều gì làm khởi phát cho sự nở hoa của tảo cũng như mức độ của các tác nhân của tự nhiên lẫn con người đóng vai trò lớn tới đâu trong sự phát triển của chúng. Và ngoài ra vẫn còn có những cân nhắc rằng Sự gia tăng của Sự kiện thủy triều đỏ về tần suất và mức độ nghiêm trọng của sự nở hoa của tảo trong các phần khác nhau của thế giới liệu có thực sự đang diễn ra trong thực tế hay đó chỉ là do sự gia tăng của những nỗ lực quan sát đi cùng những tiến bộ trong phương pháp nhận dạng loài.
Có nhiều nguyên nhân gây ra Thủy triều đỏ (TTD), như sử dụng các hoạt chất hóa học nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tác động biến đổi khí hậu, tác động do chất thải các khu công nghiệp như công nghiệp Sắt Thép cũng gây ra hiện tượng Tảo nở hoa (TTD).
Nhiều thành phần độc tố trong thủy triều đỏ bao gồm chuỗi mắt xích dài gồm 6 mạch vòng móc nối với nhau liên tiếp tạo thành những hợp chất cao phân tử và đều có khả năng gây tê liệt hệ thần kinh rất mạnh.

Những sự cố đáng chú ý

  • 1793: Trường hợp đầu tiên được ghi nhận xảy ra ở British Columbia, Canada.
  • 1840: Không có trường hợp tử vong của con người đã được quy cho thủy triều đỏ tại Florida, nhưng người dân có thể bị kích ứng đường hô hấp (ho, hắt hơi và chảy nước mắt) khi các sinh vật thủy triều đỏ (Karenia brevis) hiện diện dọc theo bờ biển và gió phát tán đi những chất độc lơ lửng trong không khí của chúng vào bầu không khí. Việc bơi lội vẫn an toàn song kích ứng da hay tồi tệ hơn là cháy da có thể xảy ra trong khu vực tập trung cao của thủy triều đỏ. 
  • 1972: Thủy triều đỏ xuất hiện ở New England bởi một loài tảo độc có tên Alexandrium (Gonyaulax) tamarense . Thủy triều đỏ gây ra bởi tảo Gonyaulax là nghiêm trọng bởi vì sinh vật này tạo saxitoxin và gonyautoxins sẽ tích tụ trong động vật có vỏ và nếu ăn vào có thể dẫn đến ngộ độc gây liệt cơ (PSP) và cuối cùng dẫn đến tử vong.
  • 1976: Trường hợp đầu tiên có biểu hiện của ngộ độc liệt cơ là ở SabahBorneo nơi 202 nạn nhân đã được báo cáo có tình trạng trên, 7 người đã tử vong. 
  • Đợt thủy triều đỏ bùng phát năm 2005 tại bang New England (Mỹ) đã giết chết 30 con lợn biển dọc theo bờ biển bang Florida trong mùa xuân và làm ngành công nghiệp chế biến sò của New England thiệt hại hàng triệu đô-la Mĩ
  • 2011: Bắc California
  • 2011: Vịnh Mexico
  • 2013: Tháng Một, một đợt thủy triều đỏ xảy ra một lần nữa tại bờ biển Đông thuộc bang Sabah nằm trên đảo Borneo của Malaysia. Hai trường hợp tử vong đã được báo cáo sau khi họ tiêu thụ một dạng động vật có vỏ đã bị nhiễm độc tố từ thủy triều đỏ.
  • 2013: Tháng Một, một đợt thủy triều đỏ xảy ra ở bãi biển Sarasota - chủ yếu tại chuỗi đảo Siesta Key, Florida gây ra hiện tượng cá chết gây ra tác động tiêu cực đối với khách du lịch, và gây ra các vấn đề về đường hô hấp cho du khách
  • 2014: Vào tháng 8 một đợt thủy triều đỏ không lồ xảy ra tại Florida có độ dài 90 dặm (khoảng 145km) và rộng 60 dặm (khoảng 96km).
  • 2015: Tháng Sáu, 12 người nhập viện ở Bohol do ngộ độc thủy triều đỏ.
  • 2015: Tháng Tám, xảy ra ở một số bãi biển Hà Lan giữa Katwijk và Scheveningen
  • 2015: Tháng Chín, thủy triều đỏ xảy ra tại Vịnh Mexico, ảnh hưởng đến Đảo Padre ( Đảo Bắc Padre và Đảo Nam Padre ) ở Texas.
  • 2016: Trước hiện tượng sinh vật biển chết hàng loạt ở tất cả các tầng nước khu vực ven biển bắc miền Trung của Việt Nam, bộ Tài nguyên và Môi trường nước này công bố nguyên nhân là do hiện tượng thuỷ triều đỏ. Tuy nhiên thông tin nhận được nhiều phản bác đến từ các nhà khoa học chuyên môn khi họ cho rằng hiện tượng thủy triều đỏ chỉ xảy ra với các sinh vật ở tầng mặt, hiện tượng ở miền Trung Việt Nam xảy ra với cả các sinh vật ở tầng đáy.

(Nguồn: Wikipedia)

Friday, April 29, 2016

NGÔI LÀNG NẰM DƯỚI NHỮNG TẢNG ĐÁ KHỔNG LỒ

Sống dưới mái nhà bị đè nặng bởi những tảng đá khổng lồ luôn mang đến nhiều lo lắng, tuy nhiên, với cư dân tại ngôi làng Monsanto, Bồ Đào Nha thì điều đó là hết sức bình thường. Monsanto là một trong những điểm đến nối tiếng, thu hút nhiều du khách nhất của Bồ Đào Nha. Chính quyền địa phương đã hạn chế xây dựng thêm các công trình mới, nhằm bảo tồn nguyên vẹn những giá trị văn hóa, truyền thống xưa cũ của ngôi làng.


Ngôi làng Monsanto nằm trên đỉnh của ngọn núi cùng tên với nó, tại miền đông Bồ Đào Nha. Nơi đây nổi tiếng vì phần lớn các ngôi nhà đều nằm yên bình và hài hòa dưới những tảng đá to nặng tới 200 tấn. Mọi thứ tại ngôi làng luôn mang vẻ đẹp của truyền thống.


Các tảng đá với trọng lượng lên đến 200 tấn, đã được sử dụng cho để làm thành những bức tường, sàn nhà và thậm chí cả trần nhà.


Lối đi trong làng được lát đá, xung quanh là cây cỏ tốt tươi tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp giống như trong bộ phim “ Chúa tể những chiếc nhẫn”.


Dân làng đã xây dựng những ngôi nhà của họ xung quanh các tảng đá hiện có, thay vì cố gắng để di chuyển chúng.


Nơi đây, hầu hết những ngôi nhà đều nằm dưới, ngay bên cạnh hoặc được bao xung quanh bởi những tảng đá khổng lồ.


Năm 1938, nơi đây được mệnh danh là “ngôi làng đậm chất Bồ Đào Nha nhất đất nước”. Vật liệu xây dựng các ngôi nhà ở đây chủ yếu là đá.


Ngôi làng tọa lạc ở độ cao gần 800 m so với mực nước biển nên ngôi làng là một trong những điểm đến có tầm nhìn tốt.


Monsanto là một trong những điểm đến nối tiếng, thu hút nhiều du khách nhất của Bồ Đào Nha. Chính quyền địa phương đã hạn chế xây dựng thêm các công trình mới, nhằm bảo tồn nguyên vẹn những giá trị văn hóa, truyền thống xưa cũ của ngôi làng.

Theo Zing News


TỐI NAY ĂN GÌ ?

Ở Úc bây giờ món gì cũng có, thức ăn thừa mứa nhưng rồi riết không biết ăn gì nữa. Thịt cá bắt đầu ngán, không muốn ăn thịt mà ăn chay thì cũng không ăn được. Chỉ trừ những ngày ra ngoài ăn, còn không ngày nào trước khi về, bà xã hay hỏi tôi: "Tối nay ăn gì ?". Tôi nói thì bà xã nói mới ăn, tôi sẵn giọng :"Em muốn mua gì thì mua". Thế thì gây và cuối cùng là phải "trảm liệu" (斬料), đây là một từ lóng mà chỉ có người Quảng, HK mới dùng, tức là đi mua thịt quay, vit quay, phá lấu hay xá xíu,..còn không thì Kentucky, Nando hay Pizza..Vậy chớ mà không sợ, đọc tin ở Việt Nam mới sợ. Người VN bây giờ phải ăn gì cho không bị bệnh hay chết sớm. Tôi mới đọc bài sau đây:

Thực đơn biết “ăn là chết” nhưng vẫn phải cho vào bụng hàng ngày của người Việt

Chỉ vì chút lợi nhuận nhỏ mà những người kinh doanh thực phẩm đã sử dụng hoá chất hay nguyên liệu độc hại, làm ảnh hưởng tới sức khoẻ của chính đồng bào chúng ta.

Ăn ngon, mặc đẹp, chơi vui là những cái thú tao nhã của con người, mặc dù vậy điều này không mấy đúng với người Việt Nam khi mà giờ đây chúng ta gặp phải quá nhiều mối nguy hại khác nhau. Mặc đẹp hay dùng độ hiệu chút thôi thì bị soi mói, thậm tệ nhất là bị giật đồ, nhỡ chẳng may có không đúng mốt thì đi ra đường bị nhìn như người hành tinh khác.

Xem ra để mặc đẹp mà vui cũng quá khó, chẳng phải nhiều người có cơ hội mua được đồ hiệu mà mặc, thôi thì người Việt chuyển sang chơi vui.


Vui thì vui thật, ấy thế mà vui quá lại hại thân, từ mời bia không uống bị đánh chết cho tới đi hát karaoke quên không “bo tiền” cũng bị đâm chết, xem ra chơi cũng khổ. Đành phải chuyển sang ăn uống vậy vì hai thứ kia chẳng còn vui nữa rồi.

May thay, Việt Nam có lịch sử ẩm thực dồi dào, các món ăn ngón xuất hiện khắp các nẻo đường, con ngõ và xuất hiện trong từng hàng quán của người dân. Thế nhưng, đây cũng là khi mọi chuyện phức tạp hơn, với cái tiêu chí “ngon, bổ, rẻ” của người Việt, xem ra giờ chỉ có uống nước cầm hơi mới mong thoát được đống bệnh tật từ đồ ăn, thực phẩm.

Đặt lợi ích bản thân lên trên lợi ích cùng sức khoẻ cộng đồng, nhiều cửa hàng hay các cơ sở sản xuất tận dụng các hoá chất cấm trong thực phẩm để tăng sản lượng, bảo quản thực phẩm hay dùng lại thực phẩm tốt hơn. Chỉ vì chút lợi nhuận nhỏ mà những người này đã làm ảnh hưởng tới sức khoẻ của hàng nghìn, hàng triệu người dân trên toàn lãnh thổ hình chữ S.

Đối với nhiều người, câu hỏi “ăn gì bây giờ?” có lẽ vẫn luôn là thắc mắc lớn. Mặc dù vậy, đừng ăn những món cực “độc” chỉ có tại Việt Nam dưới đây:


Hiện vẫn chưa rõ loại chất độc nào đã tạo nên thảm cảnh này nhưng những người khó khăn nhất vẫn là người dân sinh sống nhờ vùng biển miền Trung.

Sử dụng kháng sinh giúp tôm chống lại bệnh tật nhưng quá liều dẫn tới hậu quả nghiêm trọng


Chất tạo nạc là chất cấm trong chăn nuôi, nó làm cho máu ở phần thịt nạc dồn lên mỡ phía trên tạo hình ảnh giống với thịt nạc. Chất cấm này có thể khiến người dùng ngộ độc và thậm chí là tử vong.


Dầu mỡ bẩn được dùng đi dùng lại nhiều lần, thế nhưng trước khi được đưa lên chảo, những loại dầu mỡ này đã bẩn sẵn rồi mà chẳng mấy ai hay.


Để có được hình dáng trắng đẹp mắt, người ta không ngần ngại sử dụng nước tẩy rửa nhà vệ sinh để cọ trắng dừa, những chất tẩy rửa này có chứa axit, có thể phá huỷ dạ dày nếu tiêu thụ phải.


Thay vì dùng câu nói “trắng như Ngọc Trinh” có lẽ người Việt nên đổi lại thành “trắng như bún phẩm màu”.


Đậu phụ là món ăn quen thuộc với nhiều gia đình Việt, thế nhưng những loại đậu phụ biến tướng này đôi khi có thể xây được cả nhà do chứa thạch cao xây dựng.


Không những được sử dụng cho dưa, vàng ô còn được người ta quết lên gà, măng hay nhiều loại thực phẩm khác. Vàng ô là hợp chất đứng thứ 5 trong số những chất độc gây ung thư, thậm chí chỉ cần hít phải chất này thôi cũng gây khó thở.


Ruốc được nhuộm phẩm màu ở Phú Yên


Hàn the trong những loại giò này gây ngộ độc cấp và mãn tính, đấy là còn chưa kể tới những chiệu chứng khác như tổn thương thận, rối loạn chức năng và thậm chí là cả ung thư.


Ban đầu, nuôi hàu trong lốp xe cũ dường như là một ý tưởng đột phá, thế nhưng những người nuôi hàu không biết được lốp xe cũ bẩn và độc hại tới mức nào.


Cấm sử dụng thuốc trừ sâu trong nuôi trồng, người dân chuyển sang sử dụng dầu nhớt. Loại dầu nhớt này có thể giúp cây trồng tránh được sâu rầy và cũng đồng thời làm hại sức khoẻ người tiêu dùng.


Hoa quả tiêm hoá chất bảo quản đã xuất hiện từ rất lâu trên thị trường, những loại hoá chất không qua kiểm định này có thể gây hại tới đường tiêu hoá hoặc nặng là tử vong hay quái thai khi sinh.

Người Việt giờ đây có lẽ không nên hỏi “ăn gì bây giờ?” nữa, câu hỏi mà chúng ta cần thắc mắc với bản thân có lẽ là “ăn gì cho không dính bệnh?” hay “ăn gì để khỏi ung thư?”. Cái sự sướng trong ăn uống của người Việt có lẽ sẽ phải tạm dừng trong thời gian tới.

Theo cafebiz.vn