Friday, March 18, 2016

ĐỌC CHƯỞNG KIM DUNG NGHĨ VỀ NGỤY QUÂN TỬ

Cả tuần nay đêm nào cũng luyện bộ "Tân Tiếu Ngạo Giang Hồ 2013" đến 2-3 giờ sáng, bộ tiểu thuyết thì mình đã coi từ nhỏ, coi đi coi lại cũng mấy lần, càng coi tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung càng thêm kính nễ cái thâm thúy của ông.


Trong cuộc sống hàng ngày mình cũng đụng chạm với nhiều người, tốt có xấu có, hiền có ác có...đủ loại người nhưng mình chỉ thấy ghê sợ nhất là hạng người ngụy quân tử. Kẻ tiểu nhân mình biết mà phòng được hoặc ngay cả làm ăn với họ cũng được nhưng duy nhất không thể chơi được với bọn ngụy quân tử vì mình không phòng được vì không biết nó đâm sau lưng mình lúc nào. Kinh nghiệm đã cho mình gặp phải một thằng mà mình đã cho là bạn trong mấy chục năm qua.

Lang thang trên mạng tình cờ thấy một bài viết của Bác sĩ Lê Trung Ngân, thấy hay hay nên share cùng mọi người. (LKH)


"ĐỌC CHƯỞNG KIM DUNG NGHĨ VỀ NGỤY QUÂN TỬ"


Tôi là người mê truyện kiếm hiệp từ nhỏ. Mê đến mức lúc còn học trung học đã từng bị ba đánh đòn vì dám vác đèn dầu trốn trong mùng để đọc. Là người mê đắm thế giới chưởng dầy ma mị của Kim Dung với Anh hùng xã điêu, Cô gái Đồ long, Tiếu ngạo giang hồ, Thần điêu đại hiệpv.v... Mà thực ra, tôi cũng chỉ là một trong hàng triệu triệu fan của Kim Dung trên toàn thế giới, trong đó người Việt ta chắc cũng chiếm đến con số hàng triệu. Tôi đã đọc các bài viết của nhiều văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, nhà phê bình văn học như Vũ Đức Sao Biển, Phạm Tú Châu, ông Văn Tùng,Vương Trí Nhàn, Bửu Ý... bày tỏ những cảm nhận, đánh giá về truyện chưởng Kim Dung.

Đứng từ nhiều góc độ khác nhau. Bên cạnh rất nhiều điều đồng cảm, mỗi người đều có những điều tâm đắc riêng rất thú vị. Tôi cũng vậy, điều tâm đắc nhất của tôi chính là quan điểm hết sức "đời" của Kim Dung về "Chính-tà".

Triết học và văn hóa truyền thống phương Đông tách bạch rất rạch ròi hai khái niệm này, đặc biệt thể hiện trong Nho giáo với sự phânbiệt hai loại người: Tiểu nhân và quân tử. Nhưng đối với Kim Dung, sự rạch ròi đó không còn nữa. Trong mỗi con người, cái "chính", cái "tà" luôn luôn hiện hữu, đan xen, giằng xé, mâu thuẫn, và không ngừng biến đổi cả trong nội tâm lẫn hành động. Không có sự tuyệt đối trong các khái niệm Chính/Tà, Quân tử/Tiểu nhân. Từ quan điểm khách quan và rất thực tế đó, Kim Dung có cách nhìn cảm thông, nhân bản đối với từng nhân vật của mình, cho dù họ được giới giang hồ liệt vào 'Tà phái" hay "Chính phái"!


Song Kim Dung lại hết sức khắt khe, thậm chí khinh bỉ ra mặt đối với những kẻ giả dối (trá ngụy) mà ông gọi là kẻ "ngụy quân tử". Tác phẩm nào của Kim Dung cũng có mặt những kẻ như vậy, nhưng có lẽ nhân vật ngụy quân tử thành công nhất, để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho người đọc chính là Nhạc Bất Quần trong Tiếu ngạo giang hồ. Là chưởng môn phái Hoa sơn trong Ngũ nhạc kiếm phái (bao gồm: Thái sơn, Hằng sơn, Tung sơn, Hoa sơn và Hành sơn) với danh xưng Quân tử kiếm, Nhạc Bất Quần là hiện thân đẹp đẽ của người quân tử/1à đại diện xứng đáng nhất của các "danh môn chính phái" trong võ lâm. Vậy mà tất cả chỉ là cái vỏ ngoài đẹp đẽ đã được hắn tạo ra một cách khéo léo tinh vi để che đậy những tham vọng, dã tâm, những hành vi hèn hạ, xấu xa, tàn độc, phi nhân tính của một kẻ tiểu nhân tồi tệ nhất. Sự trá nguỵ được che đậy "siêu" đến mức nhiều người chỉ kịp nhận ra chân tướng của hắn khi sắp bị hắn ra tay sát hại. Để đạt được mục đích, hắn sẵn sàng lừa vợ, dối con, vu cáo và hãm hại đệ tử, đồng đạo võ lâm. Tất nhiên Kim Dung đã dành cho nhân vật đặc biệt này một kết cục bi thảm: gia đình tan nát, bị mọi người vạch mặt, chỉ tên và bị chết dưới tay kiếm của một ni cô thánh thiện, có bản chất hoàn toàn đối lập với hắn - chưa bao giờ biết đến sự dối trá, oán thù. Kim Dung "dị ứng" với loại "ngụy quân tử" này có lẽ do ông nhận thức được những hiểm họa khôn lường mà chúng có thể đem đến cho cộng đồng, cho xã hội. Đến mức ông đã phải cho một nhân vật nói thay mình "Thà làm chính tà còn hơn làm nguỵ quân tử"!

Càng tâm đắc với Kim Dung bao nhiêu thì càng buồn bấy nhiêu khi quay về với thực tại và nhận ra rằng xung quanh mình ở đâu cũng có bóng dáng ngụy quân tử. Có vẻ như con cháu, đệ tử "chân truyền" của nguỵ quân tử kiếm Nhạc Bất Quần ngày càng sinh sôi phát triển không chỉ trong thế giới giang hồ của Kim Dung mà ngay trong mọi ngóc ngách của xã hội ngày nay.

Trên thế giới, ngụy quân tử thường gắn liền với chính trị.Ví dụ điển hình nhất có lẽ là chuyện chống khủng bố. Các nhà chính trị đều đua nhau nói về chống khủng bố với những lời lẻ hết sức chân thành. Nhưng đố ai biết bên trong họ đang nghĩ gì, đang mưu mô gì và thực tế đã có những kẻ "hai mặt": chống khủng bố nơi này nhưng lại trực tiếp hoặc gián tiếp khủng bố ở nơi khác! Thế giới cứ loạn cả lên vì những trò trá nguỵ, trắng-đen, vàng-thau lẫn lộn, thật-giả khôn lường do các nhà chính trị tạo ra.

Còn trong nước thì sao? Chỗ nào cũng thấy Nhạc Bất Quần. Ngụy quân tử thì chắc chắn là thời nào cũng có, nhưng hình như cái giai đoạn quá độ từ bao cấp sang kinh tế thị trường này mới thực là "thời" của ngụy quân tử thì phải.


Ngành nào, giới nào cũng có. Báo chí đã vạch mặt chỉ tên không ít những gương mặt ngụy quân tử điển hình: nào là công an lại đi bảo kê cho băng nhóm xã hội đen, thẩm phán, luật sư lại nhận tiền chạy án, nhà báo cách mạng "gộc" mà lại trở thành bồi bút tiếp tay cho tội phạm, nhà giáo mà nhận tiền chạy trường, chạy điểm, kẻ luôn mồm giáo huấn về tham nhũng lại tham nhũng, lãng phí kinh người... Còn nữa, những nhạc sỹ đạo nhạc, nhà văn đạovăn, họa sỹ đạo tranh... thì cũng đều thuộc họ nhà Ngụy cả? Nhưng thực ra công luận cũng chỉ mới biết được rất ít. Còn rất nhiều ngụy quân tử khác còn chưa bị vạch mặt chỉ tên do "trình độ trá ngụy" quá cao siêu hoặc do xã hội chúng ta chưa đủ "công lực" cần thiết để hóa giải các chiêu thức ma giáo của chúng.

Nhưng số lượng chua đáng sợ bằng "chất lượng" của các nguỵ quân tử. Có thể thấy rõ là phải có trí thức, thậm chí phải có chức quyền thì mới có thể làm ngụy quân tử được chứ một anh phó thường dân mù chữ hoặc chưa được phổ cập tiểu học thì có muốn cũng không thể thành ông "ngụy quân tử" được, cùng lắm thì cũng chỉ làm được cái anh "chân quân tử" mà thôi! Cái xấu, cái ác, cái dối trá lại được trợ lực bởi tri thức và chức quyền thì chắc chắn sẽ là hiềm hoạ thực sự của xã hội.

Nguy hiểm hơn, nguỵ quân tử đang lây lan trong cộng đồng như một bệnh dịch. Đã xuất hiện những tập thể ngụy quân tử với sự đồng loã trong các hành động xấu xa, trá ngụy. Chẳng hạn : các đường dây tham nhũng, các báo cáo thành tích dối trá để chạy danh hiệu, chạy huân chương v.v... Phải tìm cách ngăn chặn bệnh dịch này, chứ cứ để nó tự do lây lan phát triển đến mức biến thành "văn hoá ngụy quân tử" thì coi như "vô phương cứu chữa"!


Nhưng rất may là bệnh này chưa biến thành dịch, và cũng không thể mang lại hiểm họa lớn cho xã hội như bệnh dịch ngụy quân tử. Vì bên cạnh chúng ta còn rânất nhiều chân quân tử.


Bác sĩ Lê Trung Ngân

No comments: