Friday, March 11, 2016

HŨ TIỀN TIẾT KIỆM NHỎ VÀ NHỮNG GIẤC MƠ LỚN

Phải thành thật mà nói, tôi không biết tiết kiệm từ nhỏ đến lớn. Có bao nhiêu là xài bao nhiêu tới đâu hay tới đó. Hồi nhỏ cũng đòi má tôi mua cho con heo đất, bỏ tiền được vài ngày rồi ngưng và không bao giờ bỏ tiền vào nữa.

Có lẽ muốn để dành cần có một ý chí hay một mục đích nào đó chớ nói để dành là một thói quen thì thói quen này gần như đi liền với tính toán và keo kiệt (?). Qua Úc có mấy tuần là tôi có việc làm, lương cũng khá lắm. Một mình mướn cái unit 2 phòng để ở, công việc gần nhà nên cũng chẳng cần xe. Tới lúc có bạn gái (bây giờ là bà xã) thì để dành tiền mua xe. Sau đó làm đám cưới thì để dành mua nhà. Như vậy đề dành hay tiết kiệm là phài có mục đích chính.

Hôm nay lang thang trên mạng có một bài viết của Nguyễn Thiên Ngân, một bài viết rất đơn giản về mục đích tiết kiệm của một em bé. Mục đích của em rất đẹp và rất thần thánh đạt được hay không là một chuyện nhưng là người có một mục đích cao quý là chuyện phải có và cần có vì nó còn thể hiện một tấm lòng.

HŨ TIỀN TIẾT KIỆM NHỎ VÀ NHỮNG GIẤC MƠ LỚN

Hôm nọ tôi đến nhà vợ chồng người bạn, thấy trên bàn học của bé Bi, đứa con 7 tuổi của anh chị có một lọ thủy tinh bên trong toàn tiền lẻ. Lọ tiền tiết kiệm thì hầu như đứa bé nào trên đời cũng có, từ thuở xa xưa nuôi con heo đất có lông mi dài thượt cong vút cho đến sau này là những hộp thiếc có khóa, rồi những hình thù tinh xảo làm bằng đủ mọi chất liệu từ gỗ đến sứ đến pha lê. Nhưng điều đặc biệt của chiếc lọ thủy tinh đựng tiền tiết kiệm ấy là, bên ngoài nó có dán một nhãn giấy đề rằng "Để Bi đi khắp thế giới". Nét chữ trẻ con tròn trặn, viết trên một tờ giấy tập rồi cắt xén bo tròn cẩn thận ấy truyền tải bao nhiêu là mộng ước.

Tôi có sở thích hơi tọc mạch, đó là hay hỏi những đứa bé mình gặp "Con để dành tiền làm gì?". Câu trả lời tôi nhận được luôn thật thú vị. Con để dành tiền để mua sách cho bạn vùng xa – vì mẹ bé luôn nói với con rằng bạn vùng xa không có tiền mua sách đọc như con. Con để dành tiền phụ ba mẹ mua nhà – vì gia đình bé còn phải ở nhà thuê. Con để dành tiền để đón bà ngoại lên ở chung – vì bà ngoại chỉ thích ở quê, nhưng mỗi lần cháu hỏi ngoại ơi sao không vào thành phố ở với con, thì ngoại lại đùa "ngoại lên đây ai nuôi ngoại?!". Con để dành tiền để lớn lên đi sửa mũi – vì ai cũng trêu bé có cái mũi tẹt lét...
Bé Bi, khi nghe tôi hỏi câu hỏi ấy, đã nhẫn nại giải thích nguyên xi như lời viết trên nhãn giấy "Để Bi đi khắp thế giới". Tôi hỏi tới, bố mẹ cô bé kể rằng sinh nhật năm ngoái, anh chị tặng nó một quyển Atlas cho thiếu nhi. Bi đã dùng bút khoanh tròn những địa danh mà con bé nghe thấy vui tai, kiểu như Morocco, Suriname, Tuvalu, Vanuatu... và quả quyết rằng "lớn lên con sẽ đi mấy chỗ này". Bố mẹ Bi bảo nếu muốn như vậy, con phải tiết kiệm tiền từ bây giờ. Thế là con bé xin một cái hũ, dán nhãn lên và bắt đầu nhịn ăn kem, nhịn mua kẹp tóc.
Tôi nhìn những tờ tiền lẻ trong lọ thủy tinh của Bi, tự hỏi còn bao nhiêu năm nữa con bé mới phát hiện ra số tiền trong hũ thủy tinh - nếu cứ tiết kiệm đều đều cái đà này - chẳng mua nổi một góc chặng bay vòng quanh thế giới. Hoặc có thể chưa đến ngày đó thì con bé đã bỏ cuộc, bắt đầu chuyển hướng để dành tiền mua những thứ mà nó nghĩ rằng quan trọng hơn, ví dụ smartphone, vé đi Hàn Quốc xem thần tượng... Nhưng sao lòng cứ mong những ngày tháng thần tiên với mộng ước chân thành này của Bi sẽ kéo dài ra mãi.
Mỗi bình tiết kiệm của bọn trẻ có một câu chuyện trong veo đằng sau, mà nếu không hỏi, mình sẽ chẳng bao giờ biết. Lớn lên, rồi chúng sẽ có những sổ tiết kiệm, những tài khoản gửi vàng, ngoại tệ cho những mục đích khác lớn lao hơn, nhưng câu chuyện đằng sau nó chắc sẽ khó thuyết phục một cách tự nhiên như cái bình tiết kiệm thuở chúng còn thơ trẻ, chỉ thành tâm vì một mục đích duy nhất: làm cho ai đó hạnh phúc (bao gồm cả chính bản thân chúng).
Tôi chẳng nhớ nổi hộp tiền tiết kiệm đầu đời của mình đã dành để làm gì. Có lẽ tôi phải bắt đầu lại.
Nguyễn Thiên Ngân

No comments: